Thông điệp Năm mới của Chủ tịch nước
Trước thềm năm mới 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong đồng chí,
đồng bào ra sức nỗ lực trên cương vị của mình để thực hiện thành công các mục
tiêu đã đề ra; đoàn kết, phấn đấu để đất nước ta ngày càng phồn vinh, nhân dân
ta ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân dịp năm mới 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chia sẻ
với báo chí những đánh giá về thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế-xã
hội, hội nhập quốc tế, nhận định về những vận hội và thách thức đối với đất
nước và dân tộc. Người đứng đầu Nhà nước cũng bày tỏ niềm tin vào sự đồng lòng,
quyết tâm của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng
và phát triển đất nước ở chặng đường phía trước.
-
Thưa Chủ tịch nước, chúng ta đang ở trước ngưỡng cửa năm mới 2017, xin Chủ tịch
nước đánh giá về những thành tựu của đất nước trong năm 2016?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Năm 2016 là năm đầu tiên toàn
Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội
lần thứ XII của Đảng. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và
nhiệm vụ trọng tâm 5 năm 2016-2020.
Trong
bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, có nhiều biến động phức tạp, nền kinh
tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I, quý II, lấy lại đà
phục hồi và phát triển cả ở góc độ sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô
từ đầu quý III; tốc độ tăng trưởng GDP tuy không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng
vẫn thuộc nhóm tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Trên
các bình diện khác, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo
đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định,
quốc phòng, an ninh được tăng cường; chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
giữ vững hòa bình, ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
được chú trọng và đạt những kết quả quan trọng; quan hệ đối ngoại, hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Tuy
nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như kinh tế vĩ mô
ổn định nhưng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng thấp, việc thực hiện các
đột phá lớn và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất lao động xã
hội còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đời sống nhân
dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô
nhiễm môi trường còn nhiều khó khăn...
-
Đất nước ta đã đi qua 30 năm đổi mới. Xin Chủ tịch nước đánh giá khái quát về
chặng đường vừa qua?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Đổi mới là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là
sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 30 năm đổi mới vừa qua là một
giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh
dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
30
năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên
nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, phù hợp với những nguyên tắc và chuẩn mực
của nền kinh tế toàn cầu. Đất nước ta đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác
chiến lược về kinh tế; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đã có
59 quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn, công nhận nền kinh tế thị
trường của Việt Nam.
Sau
30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát
triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn
đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát
triển mạnh mẽ trong những năm tới.
-
Thưa Chủ tịch nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã
đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên tệ nạn này còn diễn biến phức tạp
và có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Trên cương vị Trưởng
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, xin Chủ tịch nước cho biết ý kiến về
vấn đề này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Năm 2016, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
đã đạt những kết quả tích cực, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm
trọng được đưa ra xét xử, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, nhưng vẫn chưa
đáp ứng được yêu cầu đề ra và sự mong mỏi của nhân dân.
Tham
nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng, Nhà
nước ta đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên
tục, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, đề cao tinh
thần thượng tôn pháp luật trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng
phí đầy cam go.
Để
cuộc đấu tranh này đạt được yêu cầu đề ra, cần xây dựng và thực hiện nghiêm túc
cơ chế phòng ngừa, quản lý, giám sát chặt chẽ để không thể tham nhũng; cơ chế
răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; xử lý kiên quyết, triệt để các đối
tượng tham nhũng, không chịu áp lực của bất cứ tổ chức, cá nhân nào và có biện
pháp hiệu quả thu hồi số tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt.
Cùng
với đó, các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các
nước để khẩn trương truy bắt số đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài, bảo
đảm tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe số đối tượng có ý định bỏ trốn;
không để kẻ phạm tội ảo tưởng nước ngoài là nơi ẩn náu, là nơi dung thân an
toàn, chạy trốn sự trừng trị của pháp luật.
-
Vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, thường
xuyên và cấp bách. Thưa Chủ tịch nước, yêu cầu đặt ra với công tác này trong
giai đoạn sắp tới như thế nào?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Bộ Chính trị vừa qua đã tổ chức
Hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Yêu cầu đặt ra đối với công tác này
là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, đấu tranh là để tự hoàn thiện
mình ngày càng trong sạch, vững mạnh, phòng ngừa, triệt tiêu cả những nguyên
nhân chủ quan và khách quan.
Kẻ
thù không bao giờ mong muốn chúng ta mạnh. Chúng luôn có nhiều âm mưu thâm độc,
thủ đoạn xảo quyệt hòng chuyển hóa chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam... Mục tiêu của “diễn biến hòa bình” chính là thúc
đẩy những người cộng sản “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng chúng có thực
hiện được hay không là tùy thuộc ở chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng được nội bộ
trong sạch, vững mạnh thì kẻ thù không thể làm gì được.
Việc
triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) là nhiệm vụ
của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tinh thần tự giác chấp hành là yếu tố
quan trọng nhất. Cùng với đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu cũng hết sức
quan trọng.
-
Thưa Chủ tịch nước, nhiều cử tri đã bày tỏ quan ngại khi đất nước phải đối mặt
với những thách thức nghiêm trọng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là
sau những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Chủ tịch nước có ý kiến gì với cử tri
xung quanh vấn đề này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Biển, đảo là một phần lãnh thổ
thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người con
đất Việt. Các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông được luật pháp quốc tế,
trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, công nhận và bảo vệ.
Chúng
ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để
phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa
bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nhiệm
vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu
mới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, trong đó lực lượng vũ trang
nhân dân là nòng cốt, phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao,
không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Việc
tăng cường thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang
nhân dân vững mạnh toàn diện là yếu tố vô cùng quan trọng để triển khai có hiệu
quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
-
Trên cương vị thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, xin Chủ tịch nước đánh
giá về thành tựu đối ngoại của đất nước trong năm 2016?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Bảo đảm lợi ích tối cao của
quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình
đẳng và cùng có lợi là mục tiêu cốt lõi trong chủ trương đối ngoại của Đảng,
Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII một lần nữa khẳng định
chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối
ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nâng cao hiệu quả các hoạt
động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu…
Năm
2016, các hoạt động đối ngoại tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được trong
những năm qua và chủ động, tích cực đưa đường lối đối ngoại mà Đại hội lần thứ
XII của Đảng đề ra đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu
vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp, nhưng với những giải pháp phù hợp, kịp
thời và đồng bộ, công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ tốt yêu cầu xây dựng và
phát triển đất nước, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Việt
Nam tiếp tục là điểm sáng về ổn định chính trị và tiềm năng phát triển. Chúng
ta tiếp tục thắt chặt, làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, các
đối tác để cùng phát triển bền vững. Không chỉ phát huy vai trò tích cực trong
xây dựng Cộng đồng ASEAN, chúng ta còn làm tốt vai trò ủy viên của các tổ chức
thuộc Liên Hợp Quốc, như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng
Chấp hành UNESCO, đại diện Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế…;
tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng vào các diễn đàn đa phương,
được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
-
Nhân dịp năm mới 2017, Chủ tịch nước có mong muốn gì gửi đến nhân dân cả nước,
đồng bào ta ở nước ngoài?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Trước thềm năm mới là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã
qua, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động, kiên định trong chặng đường phía
trước.
Đảng
ta đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng,
năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền
vững, toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Quá trình hội nhập quốc tế
và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở mức độ sâu rộng đã mở
ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra
không ít khó khăn, thách thức đan xen…
Tôi
mong đồng chí, đồng bào ra sức nỗ lực trên cương vị của mình để thực hiện thành
công các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra; đoàn kết, phấn đấu để đất nước ta ngày
càng phồn vinh, nhân dân ta ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân
dịp năm mới 2017 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Đinh Dậu của dân tộc, tôi xin
gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào
ta ở nước ngoài.
(Theo TTXVN)